Just in time là khái niệm vô cùng quen thuộc trong sản xuất hàng hóa. Ngày nay, việc áp dụng mô hình Just in time trong chuỗi cung ứng lại càng được triển khai rộng rãi bởi mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp.
Mô hình JIT là gì?
Mô hình Just in time được hiểu đơn giản là “đúng sản phẩm – đúng số lượng – đúng nơi – đúng thời điểm”. Đây là mô hình thể hiện quy trình sản xuất, dự trữ hàng được sắp xếp một cách hợp lý nhằm mang lại hiệu quả cao hơn. Sự xuất hiện của mô hình này làm giảm đáng kể lượng hàng hóa lưu trữ, giảm chi phí hàng tồn kho. Mỗi công đoạn sản xuất được hoạch định để làm ra số lượng thành phẩm, bán thành phẩm bằng với số lượng công đoạn tới cần, chỉ sản xuất sản phẩm mà khách hàng mong muốn. Nhờ vậy mà không có tình trạng để không hay chờ xử lý để có được đầu vào vận hành.
Nhiều doanh nghiệp hiện nay áp dụng mô hình JIT vào kinh doanh bởi mô hình này mang lại nhiều lợi ích thiết thực nhất:
- Giảm chi phí sản xuất: So với việc sản xuất đại trà, mô hình JIT đảm bảo không có lãng phí và dư thừa hay lãng phí nhân công nên giảm đáng kể chi phí sản xuất, vận chuyển.
- Cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm: Mô hình này luôn hướng đến đơn giản hóa quy trình sản xuất, các hệ thống sản xuất vận hành đơn giản hơn, dễ quản lý vì vậy mà rất ít xảy ra sai sót. JIT đáp ứng chính xác nhu cầu của khách hàng cả về thời gian, số lượng và chất lượng;
- Giúp doanh nghiệp phản ứng nhanh trước mọi thay đổi: Thời gian sản xuất được rút ngắn thì các vấn đề về chất lượng hay về lỗi sản phẩm sẽ được phát hiện nhanh hơn, phản ứng nhanh trước những thay đổi linh hoạt về nhu cầu. Từ đó, nhà cung cấp cũng sẽ hiểu hơn về khách hàng của họ để có chiến lược kinh doanh hợp lý.
- Tăng khả năng cạnh tranh: Áp dụng sản xuất theo mô hình JIT giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh với đối thủ bằng cách giảm tồn kho, giảm lượng vốn bị ứ đọng.
- Phát triển năng lực của nhân viên: JIT góp phần xây dựng mối quan hệ bền vững giữa công nhân với đội ngũ quản lý của doanh nghiệp. Tạo động lực làm việc cao, giúp trau dồi kỹ năng để hoàn thành các mục tiêu định sẵn.
Điều kiện để áp dụng phương pháp JIT
- Mô hình Just in time phù hợp nhất với những công ty, doanh nghiệp có mô hình kinh doanh mang tính chất liên tục.
- JIT được đánh giá cao bởi sử dụng nhiều loại hàng nhỏ lẻ có quy mô sản xuất bằng nhau, nhằm hạn chế tối đa hàng tồn kho cũng như ứ đọng vốn. Chính điều này giúp cho doanh nghiệp có thể dễ dàng kiểm soát mọi rủi ro, giảm thiểu mọi tổn thất trong trường hợp có sự cố xảy ra.
- Trong Just in time, hàng hóa lưu thông qua hệ thống sản xuất, hàng hóa tiêu thụ cần phải được thiết lập theo mỗi bước cụ thể sao cho công đoạn sau được thực hiện ngay lập tức khi kết thúc công đoạn đầu. Đảm bảo rằng không có nhân công, không có trang thiết bị nào phải rơi vào tình trạng chờ thành phẩm đầu vào.
- Mỗi giai đoạn cho nguyên liệu, thành phẩm phải đúng với số lượng của khâu sản xuất cần có tiếp theo.
- Với những sản phẩm nào không đáp ứng đủ tiêu chuẩn thì sản phẩm đó sẽ phải bị loại ngay.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần phải tuân thủ những nguyên tắc cơ bản khi áp dụng mô hình Just in time vào sản xuất như: không sản xuất hàng trừ khi khách hàng đã đặt; sản xuất phải theo nhu cầu của khách hàng; tất cả các giai đoạn phải có kết nối chặt chẽ với nhau bởi hệ thống quản lý trực quan cơ bản; tối đa nguồn lực và công nghệ.
Mô hình Just in time trong chuỗi cung ứng
Đã có không ít doanh nghiệp thất bại vì áp dụng mô hình Just in time trong chuỗi cung ứng không hiệu quả do dự báo sai, hoặc có thể có phát sinh vấn đề về sản xuất, chất lượng. Dẫn đến nhiều tổn thất về thời gian, tổn thất về chi phí. Để thành công với mô hình này, doanh nghiệp cần chú ý đến các vấn đề sau:
- Chọn nhà cung cấp đáng tin cậy
- Sản xuất hàng hóa ổn định, nhất quán
- Đảm bảo máy móc đạt chất lượng tốt, tay nghề nhân công phải đồng đều, không có lỗi
- Các dự báo được điều khiển thông qua trí tuệ nhân tạo AI
- Chỉ số OEE – chỉ số quản lý tổn thất trong nhà máy,…
Quy trình triển khai mô hình Just In Time
Với quy trình quản lý tinh gọn, mô hình Just in time là giải pháp gia tăng hiệu quả quy trình sản xuất, giảm lãng phí, nâng cao chất lượng. Quy trình triển khai mô hình Just In Time được áp dụng với các bước sau:
- Bước 1: Thiết kế. Bắt đầu bằng xem xét việc thiết kế sản phẩm, quy trình, nhân sự, lên kế hoạch sản xuất nhằm xây dựng linh hoạt hệ thống, loại bỏ gián đoạn, giảm thiểu lãng phí.
- Bước 2: Quản lý. Đánh giá quản lý về chất lượng toàn diện để nhằm có được sự cải tiến liên tục trong cả quá trình sản xuất. Thực hiện việc xác định, đo lường và kiểm soát chất lượng thống kê, kiểm tra lịch trình, ổn định lịch trình, công suất,..
- Bước 3: Chiến lược kéo. Sử dụng phương pháp Kanban trong hướng dẫn đội ngũ những phương pháp sản xuất. Xem lại chính sách kích thước lô, giảm kích thước lô.
- Bước 4: Thiết lập. Bằng cách kiểm tra lại danh sách các nhà cung cấp, đàm phán hợp đồng, kỳ vọng giao hàng, thảo luận thời gian giao hàng, tận dụng tối đa vào chuỗi cung ứng.
- Bước 5: Tinh chỉnh. Xác định chính xác nhu cầu hàng tồn kho, đưa ra các chính sách kiểm soát, giảm chuyển động của hàng tồn kho.
- Bước 6: Xây dựng. Thông báo cho đội ngũ nhân viên về kỹ năng, khả năng cần để hoàn thành công việc, thực hiện các buổi đào tạo.
- Bước 7: Tinh chỉnh lại nhằm giảm số lượng trong các bộ phận, tiêu chuẩn hóa lại toàn bộ quy trình.
- Bước 8: Đánh giá. Xác định việc thực hiện các biện pháp, tiến hành phân tích vấn đề, nhấn mạnh các cải tiến, đồng thời theo dõi xu hướng hướng đến việc cải thiện mọi khía cạnh của mô hình Just In Time.
Kết luận
Mô hình Just In Time thực sự mang lại giá trị và ý nghĩa đích thực trong công tác sản xuất của mọi doanh nghiệp. Mong rằng với những thông tin trên của Học viện Logistics Việt Nam sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn và áp dụng hiệu quả mô hình JIT trong chuỗi cung ứng.
+ There are no comments
Add yours