Hàng LCL và FCL là hai khái niệm được sử dụng phổ biến trong ngành vận tải. Cả hai có mối quan hệ gắn kết chặt chẽ với nhau phục vụ cho quá trình giao thương quốc tế được diễn ra thuận lợi và dễ dàng hơn. Vậy hàng LCL và FCL là gì? Chúng có mối quan hệ như thế nào và điểm khác biệt ra sao? Những thông tin hữu ích dưới đây sẽ giúp doanh nghiệp vận tải có cái nhìn tổng quan nhất để áp dụng hiệu quả trong kinh doanh.
Hàng LCL là gì?
LCL (viết tắt của cụm từ Less than Container Load), được hiểu là hàng xếp không đủ container. LCL mô tả cách thức vận chuyển không đủ để đóng nguyên một container mà cần ghép chung lô cùng chủ hàng khác. Đây chính là sự kết hợp giữa những lô hàng lẻ với nhau, hàng được sắp xếp, phân loại lại sau đó đóng chung vào container để vận chuyển từ cảng xếp tới cảng đích. Nói cách khác, hàng LCL chính là hàng lẻ, hàng consol.
Hàng FCL là gì?
Hàng FCL (viết tắt của cụm từ Full Container Load) là hàng được xếp đẩy đủ nguyên một container. Vì là mặt hàng đầy đủ nên hàng FCL được biết đến là những mặt hàng có cùng chủng loại, có khối lượng đồng nhất và khi đóng hàng sẽ được lấp đầy một hay nhiều container.
Phân biệt hàng LCL và FCL chi tiết nhất
Hàng LCL và FCL kết hợp với nhau trong một quy trình nhằm mang lại hiệu quả cao trong quá trình vận tải. Tuy nhiên, hai khái niệm này hoàn toàn khác biệt nhau và được phân biệt chủ yếu qua quy trình gửi hàng và qua nghiệp vụ làm hàng.
Phân biệt về quy trình gửi hàng
- Hàng LCL: Người có trách nhiệm vận chuyển hàng hóa đến kho hàng qua nhiều hình thức khác nhau như tự liên hệ hay có thể sử dụng dịch vụ vận chuyển của các đơn vị vận chuyển chuyên nghiệp. Trách nhiệm của họ là phải đảm bảo hàng chuyển đến kho thuận lợi, an toàn và đúng hẹn. Trách nhiệm của người gửi hàng LCL là phải chuẩn bị các giấy tờ liên quan để gửi cho người gom và hoàn thành gửi hàng vào kho. Bên cạnh đó, người gửi cần chuẩn bị thêm các loại giấy tờ liên quan đến thủ tục thông quan, giấy phép nhập khẩu, vận đơn…
- Hàng FCL: Người gửi hàng có trách nhiệm phải liên hệ với dịch vụ vận tải để thuê FCL và container, đóng gói, bốc xếp hàng cẩn thận lên xe container. Trước khi vận chuyển, các xe container phải được niêm phong cẩn thận, đảm bảo hàng hóa an toàn, không bị đổ vỡ, móp méo hay hỏng hóc. Người sử dụng dịch vụ có trách nhiệm thanh toán phí vận chuyển, các khoản phí thông quan, bốc dỡ hàng hóa,…Đơn vị vận chuyển sẽ đảm bảo vận chuyển hàng đến địa chỉ đã được cung cấp đầy đủ, an toàn, theo dõi, chăm sóc hàng tại kho bãi, bốc xếp hàng lên tàu và xuống cảng.
Phân biệt về nghiệp vụ làm hàng LCL và FCL
- Đối với hàng LCL: Người gửi hàng chịu trách nhiệm đưa container về kho để đóng hàng. Hàng hóa khi đóng phải đầy đủ, cẩn thận, đảm bảo không xê dịch trong quá trình vận chuyển. Bên cạnh đó người gửi hàng LCL phải tính toán lượng hàng, đánh dấu hàng để dễ nhận biết, thanh toán, niêm container lại sau đó gửi hàng cho hãng tàu hoặc FWD chi tiết vận đơn. Các chi phí THC, chi phí bốc dỡ,…cũng thuộc về trách nhiệm người gửi. Người chở hàng có trách nhiệm phát hành vận đơn, tiến hành khai manifest bằng bản draft bill để người gửi có thể kiểm tra lại thông tin trên bill. Bốc container lên tàu, dỡ container tại cảng đích, làm D/O, giao container đến cho người nhận. Người nhận hàng sẽ liên hệ với người gửi hàng, sau đó nhận container, tiến hành vận chuyển về kho, sau đó dỡ hàng và trả lại container đúng nơi quy định.
- Đối với hàng FCL: Người gửi hàng nhận container để đóng hàng, sắp xếp cẩn thận hàng hóa và phải để lại ký hiệu để người nhận dễ nhận biết. Tiến hành thanh toán các chi phí cần đóng, niêm chì container, sau đó truyền vận đơn đến các hãng tàu hoặc FWD. Người chở hàng FCL gửi lại bản draft bill, phát hành vận đơn, khai manifest, nhận container, bốc lên tàu và sắp xếp hàng hóa cẩn thận, hợp lý. Khi tàu đến đích thì tiến hành dỡ container lên bãi, giao cho người nhận và làm D/O kiểm tra thông tin vận đơn trước khi giao. Người nhận hàng FCL có trách nhiệm chủ động liên hệ với bên gửi về chứng từ, thủ tục hải quan, nhận container và tiến hành vận chuyển về kho. Tiếp tục dỡ hàng xong sẽ trả container tại chỗ quy định, thanh toán các khoản phí cần thiết.
Nên chọn đặt hàng LCL hay FCL?
Sự biến đổi linh hoạt của giao thương quốc tế kéo theo sự thay đổi liên tục trong quá trình vận chuyển. Vì thế đôi lúc phải có sự thay đổi nhịp nhàng giữa LCL và FCL chẳng hạn như nhận hàng FCL kết hợp với giao hàng LCL hay nhận hàng LCL kết hợp với giao hàng FCL. Tùy vào khối lượng hàng hóa cần vận chuyển mà có thể chọn LCL hay FCL để tiết kiệm chi phí.
Nếu như lượng hàng hóa của bạn đi thường xuyên và thể tích hàng hóa trên 15m3 thì bạn nên chọn đặt hàng FCL sẽ giúp bạn tiết kiệm chi phí tốt hơn. Quá trình chất đầy hàng trên container giúp bạn tận dụng được lợi thế kinh tế theo quy mô, cùng lúc vận chuyển nhiều hàng hơn nhưng lại ít container hơn. Hình thức này cũng không mất thời gian làm hàng ở cảng, còn nhanh hơn làm hàng LCL. Hàng hóa cập bến sẽ được lấy ra khỏi cảng và giao đến người nhận ngay lập tức. Thường FCL chủ yếu phù hợp nhất đối với những công ty có nhu cầu xuất/ nhập hàng lớn.
Trong khi đó, đặt hàng LCL chủ yếu phù hợp cho các cá nhân là các công ty chuyên gửi và nhận hàng mẫu. Hình thức này cũng mang đến khá nhiều tiện ích cho doanh nghiệp khi chỉ cần phải trả mức phí vận chuyển đúng với lượng hàng gửi. Đối với người mua sẽ giúp giữ lại được lượng hàng tồn ít hơn khi mua một lượng hàng ít đến từ nhiều nhà cung cấp khác nhau. Hơn nữa, LCL còn cho thấy được lợi ích về mặt thời gian khi giúp giao hàng dễ dàng, linh động hơn. Tuy nhiên đặt hàng LCL cũng có nhược điểm là có thể bị chậm trễ khi đóng hàng do mất khá nhiều thời gian trong việc dỡ hàng, phân loại hàng hóa có trong kho.
Kết luận
Trên đây là những chia sẻ tường tận từ A đến Z về hàng LCL và FCL,Học viện Logistics Việt Nam mong rằng quý doanh nghiệp đã có được sự lựa chọn đúng đắn nhất cho công việc kinh doanh của mình. Chọn LCL hay FCL nếu đúng thời điểm, đúng số lượng hàng hóa sẽ là giải pháp tiết kiệm hoàn hảo cả về thời gian lẫn chi phí.
Có thể bạn sẽ quan tâm:
Chương trình đào tạo chuỗi cung ứng
+ There are no comments
Add yours